Chóng mặt, xoay tròn, mất thăng bằng là những biểu hiện thường gặp của bệnh rối loạn tiền đình mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, không những gây ra khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày mà còn làm tăng nguy cơ té ngã dẫn đến chấn thương không mong muốn. TS.BS Lê Văn Tuấn, cố vấn chuyên môn Khoa Nội thần kinh, BVĐK Tâm Anh cho biết.
1. Cấu tạo của hệ thống tiền đình
Hệ thống tiền đình bao gồm 2 phần: các ống bán khuyên và bộ phận tiền đình thực sự.
Các ống bán khuyên:
Bao gồm 3 ống bán khuyên, có hình vòng cung, mỗi ống bán khuyên đều có 1 đầu phẳng và 1 đầu phình to được gọi là bóng phình. Ở các bóng phình có chứa các tế bào thần kinh cảm giác (cơ quan bóng phình).
– Ống bán khuyên trên: nằm trên 2 ống còn lại, có vòng cung hướng lên trên, bóng phình hướng ra ngoài và đầu phẳng hướng vào trong.
– Ống bán khuyên ngang: là ống rộng và ngắn nhất, có vòng cung hướng ra ngoài và nằm trên mặt phẳng ngang.
– Ống bán khuyên sau: là ống hẹp nhưng dài nhất trong 3 ống, có vòng cung hướng ra sau, bóng phình hướng xuống dưới và đầu phẳng hướng lên trên.
Bộ phận tiền đình thực sự:
Bộ phận này gồm 2 phần chính là soan nang (hình bầu dục) và cầu nang (hình cầu). Soan nang nằm trên gần với 5 lỗ thông với các ống bán khuyên, cầu nang nằm dưới gần với vòng xoắn nền của ốc tai.
2. Chức năng của hệ thống tiền đình
Chức năng chính của hệ thống tiền đình là giữ thăng bằng cho cơ thể khi thực hiện các chuyển động như di chuyển, xoay người, cúi người…., được điều khiển bởi các nhóm thần kinh nằm trong não.
Phần ngoại vi của hệ thống tiền đình là một bộ phận của tai trong hoạt động như một thiết bị hướng dẫn quán tính và gia tốc thu nhỏ, giúp liên tục báo cáo thông tin về các chuyển động, vị trí của đầu và cơ thể đến các trung tâm tích hợp nằm trong thân não, tiểu não và vỏ não.
3. Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình (tiếng Anh là Vestibular Disorders) là những rối loạn có liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8 và các đường nối kết của nó. Nếu bộ phận này bị tổn thương sẽ khiến thông tin dẫn truyền bị sai lệch và cơ thể bị mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai…
Dây thần kinh số 8 là thần kinh cảm giác, bao gồm hai phần, mỗi phần đảm nhận chức năng giác quan riêng:
- Thần kinh ốc tai: chức năng cảm giác thính giác
- Thần kinh tiền đình: chức năng cảm giác thăng bằng
Dây thần kinh số 8 xuất phát từ cầu não, đi vào xương đá qua lỗ ống tai trong, là đường truyền dẫn thông tin điều khiển hệ thống tiền đình giữ thăng bằng cho cơ thể.
4. Phân loại và triệu chứng của hội chứng tiền đình
Bệnh gồm 2 dạng với các biểu hiện đặc trưng khác nhau:
4.1. Rối loạn tiền đình ngoại biên
Thường gặp ở 90% – 95% bệnh nhân. Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình ngoại biên, biểu hiện lâm sàng đa dạng tùy thuộc theo nguyên nhân, với biểu hiện có thể là các cơn chóng mặt thoáng qua, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, xuất hiện khi thay đổi tư thế như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi. Bên cạnh đó, còn có thể xuất hiện tình trạng chóng mặt thật nặng và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng hay thay đổi từ nằm sang ngồi được.
Nếu người bệnh bị rối loạn tiền đình ngoại biên nặng thì ngoài chóng mặt dữ dội, còn có các triệu chứng đi kèm như nôn ói nhiều và kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung, rối loạn vận mạch khiến da tái xanh, giảm nhịp tim, vã mồ hôi, nghiêm trọng hơn là té ngã gây chấn thương do không kiểm soát được thăng bằng.
4.2. Rối loạn tiền đình trung ương
Thường gặp với những biểu hiện của tình trạng tổn thương hệ thống tiền đình của hệ thần kinh trung ương, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. Tình trạng này là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể là do tai biến mạch máu não, bệnh lý viêm, u não…
5. Nguyên nhân rối loạn tiền đình
-
- Rối loạn cơ quan tiền đình ngoại biên do các nguyên nhân: chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm thần kinh tiền đình, viêm tiền đình, bệnh Ménière, viêm mê nhĩ, rò ngoại dịch, u dây thần kinh 8, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp; Rối loạn chuyển hóa bao gồm: suy giáp, tiểu đường, tăng ure huyết…
-
- Nguyên nhân gây ra hội chứng tiền đình trung ương thường gặp nhất là migraine, nhiễm trùng não, xuất huyết não, nhồi máu não, chấn thương, u não, xơ cứng rải rác.
- Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây rối loạn tiền đình bao gồm:
- Tuổi tác: phần lớn những người ở độ tuổi từ 40 trở lên có nguy cơ mắc hội chứng rối loạn tiền đình cao hơn những người trẻ do suy giảm chức năng của 1 số cơ quan. Theo số liệu thống kê, cứ trung bình 100 người từ 40 tuổi trở lên thì có 35 người mắc bệnh lý tiền đình.
- Mất máu quá nhiều: những người bị mất máu do chấn thương, người mắc bệnh nào khó khiến cơ thể thường xuyên nôn ra máu, đi ngoài ra máu, phụ nữ sau sinh… là đối tượng có nguy cơ rối loạn tiền đình cao.
- Căng thẳng
- Dùng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia…
6. Ai có nguy cơ mắc bệnh rối loạn tiền đình
Thông thường, đây là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh ngày càng trẻ hóa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến hơn ở người trưởng thành. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Những đối tượng có nguy cơ cao bao gồm:
6.1. Người cao tuổi
Như chúng ta thường biết, người cao tuổi bị rối loạn tiền đình chiếm tỷ lệ khá cao, do con người đến độ tuổi bắt đầu bị lão hóa cơ thể, một số cơ quan bị suy giảm chức năng.
Một nghiên cứu gần đây về dịch tễ học ở Mỹ ước tính 35% người từ 40 tuổi trở lên đã trải qua một số cơn rối loạn tiền đình. Những người từ 65 tuổi trở lên thường bị chóng mặt, trong đó chóng mặt do rối loạn ở hệ thống tiền đình chiếm khoảng 50%. Khoảng gần 8 triệu người Mỹ trưởng thành mắc bệnh mãn tính. Nguy hiểm hơn khi từ những năm 70 trở lại đây, hơn một ½ số ca tử vong do tai nạn ở người già là do các vấn đề liên quan đến, ngã do chóng mặt và mất cân bằng cân bằng.
Ở Việt Nam thực trạng này cũng diễn ra tương tự, số người mắc hội chứng ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
6.2. Người làm việc trong môi trường căng thẳng
Môi trường làm việc áp lực cao, thường xuyên căng thẳng hoặc thói quen sinh hoạt không khoa học cũng tiềm ẩn nguy cơ cao.
Stress khiến cơ thể sản sinh một lượng lớn hormone cortisol gây ra một loạt các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch,… gây tổn thương hệ thống thần kinh, trong đó có dây thần kinh số 8 khiến hệ thống tiền đình nhận được thông tin không chính xác và hoạt động không đúng yêu cầu, dẫn đến rối loạn. Do đó tỷ lệ mắc bệnh ở dân văn phòng, người lao động trí óc… ngày càng gia tăng.
6.3. Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai thường bị ốm nghén dẫn đến chán ăn, đặc biệt trong 3 tháng đầu, cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng khiến thai phụ chóng mặt, choáng váng. Đồng thời yếu tố tâm sinh lý thay đổi, lo lắng, mệt mỏi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bộ phận tiền đình, dễ dẫn tới hội chứng rối loạn tiền đình khi đang mang thai. Việc điều trị khi đang mang thai bắt buộc phải theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ hoặc biến chứng nguy hiểm.
7. Cách phòng tránh rối loạn tiền đình
Rối loạn chức năng tiền đình là căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng tránh bằng những cách đơn giản sau:
- Luyện tập thể dục đều đặn và hợp lý
- Giảm căng thẳng lo lắng
- Tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô nên ngồi hoặc nằm ngay xuống khi thấy chóng mặt
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Hạn chế sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…
- Đối với những người bị rối loạn tiền đình, cần thận trọng khi hoạt động vùng đầu cổ.
- Không nên quay cổ đột ngột hoặc thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống quá nhanh
- Khi có dấu hiệu của bệnh, nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm
Rối loạn tiền đình, nguyên nhân, triệu ứng và cách điều trị
5 biến chứng nguy hiểm của bệnh lý dạ dày
CACAP tổ chức buổi lễ trao chứng nhận AC 1600 cho Nhà thuốc lương y Ngô Thị Thành
Xơ gan cổ trướng, gan còn bù, sơ gan mất bù